Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn nghề dạy học.
Vì nghề giáo không thể làm giàu về tiền bạc được nhưng lại rất giàu về tâm hồn và tình cảm mà có tiền cũng không mua được” – cô Lương Thị Thái, giáo viên giỏi cấp quận nhiều năm liền của Trường tiểu học Phú Lương I (quận Hà Đông, Hà Nội) khi tâm sự về nghề “gõ đầu trẻ”.
Làm bạn với con trẻ
Cô Thái sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề dạy học. Cha cô là ông Lương Văn Triệu và các anh chị em trong nhà cô đều theo con đường sư phạm. Vì thế, ngay từ nhỏ ước mơ làm cô giáo để tiếp nối truyền thống gia đình đã nung nấu.
Sau khi tốt nghiệp CĐ Sư phạm Hà Nội, cô được phân công về dạy ở Trường tiểu học Phú Lương I. “Lúc mới về dạy, mình cũng lo lắm. Mình nghĩ rằng kiến thức cho các em cấp I thì không quá khó, nhưng làm sao để các em hiểu bài và tạo cảm hứng cho các em học bài mới là điều khó” – cô Thái trăn trở.
Năm đầu tiên, cô chủ nhiệm một lớp khối 2, nhưng sau đó, được phụ huynh tin tưởng, cô tiếp tục chủ nhiệm lớp học đó đến khi các em vào THCS.
Ở trường cô dạy, vì điều kiện kinh tế khó khăn, nên phụ huynh các em thường phải đi làm ăn xa, để các em lại cho ông bà hoặc để các em ở nhà một mình. Có gia đình đi buôn bán một vài tháng mới về nhà thăm con. Nên việc dạy dỗ các em đều phó mặc cho các thầy cô ở trường chăm nom.
“Vì về nhà không có ai kèm cặp nên ở trên lớp học được chữ nào về nhà các em lại làm rơi rụng hết” - cô tâm sự.
Cách đây hai năm, vì nghèo khó quá, nhiều gia đình còn không cho con em đến lớp, để các em ở nhà phụ giúp gia đình. Cô Thái đã lặn lội đến từng nhà, kiên trì thuyết phục gia đình cho con em đến lớp học...Cứ thế, đến nay hầu hết các em trong độ tuổi học tiểu học ở địa phương đều đã được đến trường.
Giáo án chỉ là hình thức
Nói về phương pháp dạy học cho học sinh tiểu học cô chia sẻ: “Nhiều người cứ nghĩ rằng học tiểu học là phải học những kiến thức cao siêu lắm. Nhưng mình thấy điều quan trọng nhất ở bậc tiểu học là các cô phải chăm học sinh, phải tạo được cho các em niềm đam mê học hỏi ngay tử hồi nhỏ. Vì thế bọn mình cứ nói đùa với nhau rằng lên lớp dạy các em thì giáo án chỉ là hình thức thôi. Còn kiến thức và kỹ năng mà thầy cô truyền cho các em thì phải tùy theo từng đối tượng”.
Ở trên lớp, cô Thái luôn gần gũi với học sinh, quan tâm tới từng em để biết lực học của mỗi em để có phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Với các cháu thông minh, tiếp thu bài nhanh thì cô chỉ cần gợi mở để các em tự mày mò nghiên cứu, tìm ra đáp án. Còn với các cháu chậm tiếp thu thì cô phải kèm cặp từng em. Có nhiều cháu ham chơi, hay quên bài thì cô phải thường xuyên nhắc lại cho các em nhớ...
Có nhiều hôm, ở trên lớp vẫn chưa chữa hết bài, cô trò lại ngồi lại sau giờ tan học để chữa tiếp. Buổi tối, có em còn yêu cầu phụ huynh gọi điện hoặc đưa đến nhà cô để cô giảng lại cho bài toán khó - cô vẫn tận tình chỉ bảo.
Với phương pháp giảng dạy như vậy nên nhiều năm liền, lớp của cô Thái chủ nhiệm đều có học sinh giỏi cấp quận, cấp trường. Mới đây nhất là năm học 2010 – 2011, lớp của cô chủ nhiệm đã có một em đạt giải nhất học sinh giỏi Internet cấp trường, hai em giải nhì tiếng Anh, 2 em đạt giải vở sạch chữ đẹp...
Những lứa học sinh đầu tiên của cô, đến nay có nhiều em đã thi đậu vào các trường ĐH, CĐ...Nhiều em đã đi làm, và đều thành đạt. Cũng nhiều năm liền, cô Thái luôn là giáo viên dạy giỏi của quận Hà Đông.
Nghề giáo không giàu
Tuy nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi nhưng cô Thái vẫn không dạy thêm ngoài giờ lên lớp, mặc dù đã được rất nhiều phụ huynh và các em đề nghị và cuộc sống của gia đình cô cũng rất eo hẹp. Nói về việc dạy thêm học thêm, cô chia sẻ: “Mình giúp các em được đến đâu thì cố gắng giúp. Chứ dạy mà để thu tiền các em thì mình không làm được”.
Hai người con của mình cô Thái đều không cho các em đi học thêm vì không những ở nhà, cô có thể tự kèm các em mà: “Nên dạy các em cách tự học, để sau này khi rời ghế nhà trường, các em vẫn có thể tiếp thu kiến thức ngoài đời được. Vì bể học là mênh mông. Việc để các em học thêm cũng như mình ăn cơm hằng ngày. Nếu bắt các em phải ăn nhiều quá thì sẽ bị bội thực”.
Hiện tại, hoàn cảnh của cô Thái rất khó khăn. Chồng cô bị suy thận nên mỗi tuần phải đi lọc máu ba lần. Hai người con của cô còn nhỏ nhưng bị đau yếu luôn. Thế nên ngoài giờ lên lớp, cô phải tất tả về nhà để lo cơm nước và chở các con đi học. Mọi chi tiêu trong gia đình phải hết sức tằn tiện thì mới đủ. Có lần, đang nửa đêm cô trực ở trường thì nhận được điện thoại của chồng gọi đến chỉ nói được mỗi câu: “Anh mệt quá!”. Cô lại tất tả về nhà để đưa chồng đi viện.
Cuộc sống gia đình khó khăn là vậy nhưng cô vẫn luôn dành trọn tâm huyết cho nghề dạy học. Mỗi đêm, khi chồng và các con đã ngủ ngon thì mới là lúc cô bắt đầu soạn bài giảng cho ngày mai. Nhiều đêm, cô thức đến 3 giờ sáng để sưu tầm tài liệu phục vụ cho bài giảng về lịch sử, địa lý...Chồng cô vẫn nói vui rằng cô làm giáo viên mà lúc nào cũng bận hơn cả sinh viên ĐH.
Nhưng khi được hỏi thì cô tâm sự thật lòng rằng nếu được chọn, cô lại chọn theo nghề giáo vì: “Nghề giáo không thể làm giàu về tiền bạc được nhưng lại rất giàu về tâm hồn và tình cảm mà tiền bạc cũng không thể mua được”.