"Tên đề án làm nhiều người hiểu lầm. Chương trình và sách giáo khoa chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng, số tiền còn lại dự toán cho các vấn đề khác với 7-8 mục lớn", Vụ phó Giáo dục Trung học cho biết.
Chiều 15/4, giải thích về đề xuất 34.000 tỷ đồng cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa trước Thường vụ Quốc hội, ông Đỗ Ngọc Thống, Vụ phó Giáo dục Trung học cho rằng, chính tên gọi của đề án đã khiến nhiều người hiểu lầm.
"Chương trình, sách giáo khoa chỉ là tên đề án, trong đó còn có chi tiết, đề án khác", ông Thống nói.
do-ngoc-thong-9620-1397565800.jpg
Ông Thống cho rằng, tên đề án làm nhiều người hiểu lầm. Chương trình và sách giáo khoa chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng, số tiền còn lại dự toán cho các vấn đề khác. Ảnh: Hoàng Thùy.
Cụ thể, chương trình và sách giáo khoa ước tính chỉ tốn khoảng 5.000 nghìn tỷ đồng. Số tiền còn lại là dự chi cho các vấn đề khác với 7-8 mục lớn. Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 35.000 trường học, khi chương trình thay đổi, đòi hỏi phải bồi dưỡng kiến thức cho hàng triệu giáo viên trong hàng chục năm trời.
Theo Vụ phó giáo dục Trung học, số tiền mà Bộ Giáo dục trình với Thường vụ Quốc hội chỉ là khái toán sơ bộ, còn phải thẩm tra nhiều lần. "Trong bối cảnh này, để nói con số khái quát cực kỳ khó khăn. Báo cáo vừa qua cũng chỉ là bảo vệ thử luận án, còn phải xem xét và trình Quốc hội tiếp".
Ông Thống cho hay, làm chương trình sách giáo khoa các môn tự nhiên có thể tiếp thu từ các nước phát triển. Lãnh đạo Bộ đã tính đến xây dựng một chương trình, sách giáo khoa của Việt Nam nhưng học tập có hệ thống, cập nhập mặt bằng của thế giới ở tất cả các môn, đặc biệt là các môn tự nhiên.
Bộ Giáo dục quyết tâm đổi mới căn bản, chuyển cách tiếp cận nội dung, từ cung cấp kiến thức sang hình thành năng lực cho học sinh, từ đó cách dạy học cũng thay đổi. Giáo viên cho học sinh vận dụng vào tình huống cụ thể, sát với thực tiến. Kiểm tra đánh giá theo năng lực cũng phải thay đổi. Điều này sẽ triển khai theo lộ trình.
Cách làm cũng sẽ thay đổi, thay vì cắt khúc như năm 2000 thì lần này làm một mạch xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 để hạn chế kiến thức trùng lặp. Do yêu cầu tích hợp nên sẽ giảm bớt được số lượng môn học, vẫn tên môn đó nhưng được hiểu trên một số kiến thức cơ bản ở nhiều lĩnh vực.
Tiếp thu kinh nghiệm thế giới, Việt Nam sẽ không phân ban, học sinh chỉ học một số môn bắt buộc, còn lại các môn khác cho các em tự chọn. Về cơ bản, hết lớp 9 là qua phổ thông.
Tinh thần đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này là tận dụng trang thiết bị hiện có, bổ sung những cái thiết thực, tăng cường công nghệ thông tin, quan trọng không phải là nội dung mà đổi mới cách dạy, cách học là chính. Vì vậy, số tiền đầu tư cho trang thiết bị không nhiều như lần trước.
"Đề án không sơ sài, nhưng tất cả nội dung báo cáo sẽ được hoàn chỉnh. Dự kiến ngày 25/4, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội sẽ chính thức thẩm định lại đề án, sau đó Ủy ban thường vụ sẽ thẩm định lại trước khi đưa ra Quốc hội vào tháng 5 tới", ông Thống cho hay
trung tâm gia sư luyện thi sư phạm vinh