(Dân trí) - Ngược lại với tình trạng "đìu hiu" như mọi năm, năm nay ngành Sư phạm đã có sức hút trở lại vì số lượng hồ sơ đăng ký dự thi tăng hơn so với năm trước. Đây là tín hiệu tốt đối với ngành Sư pham
Năm nay, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ngành Sư phạm tăng hẳn so với năm trước. Nghề giáo viên đã có sức hút trở lại!
Lượng hồ sơ ĐKDT tăng!
Điển hình nhất là trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, năm nay số lượng hồ sơ tăng đột biến lên đến 10.000 bộ, năm trước số lượng hồ sơ chỉ có 7.500 bộ. Trong khi đó chỉ tiêu vào trường là 2.500.
Trao đổi với Dân trí, ông Đinh Văn Dũng, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: “Chúng tôi cũng bất ngờ về số lượng hồ sơ tăng như năm nay. Đây là tín hiệu tốt, trường có nhiều cơ hội lựa chọn đầu vào có chất lượng tốt”.
Theo ông Dũng, ngành có số lượng hồ sơ đông nhất vẫn là ngành Mầm non và Tiểu học, do vậy 2 ngành học này thường có điểm chuẩn cao hơn các ngành khác.
Tương tự, trường ĐH Vinh năm nay nhận được 20.100 bộ hồ sơ, trong đó 3.495 bộ đăng ký vào 14 ngành sư phạm, tăng hơn so với năm trước vài trăm bộ.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay số lượng hồ sơ cũng tăng gần 1.000 so với năm trước với tổng số hồ sơ là 16.300 bộ.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay nhận được 18.361 bộ hồ sơ, tăng 500 bộ so với năm 2011.
Ông Nguyễn Hắc Hải, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội, vui mừng cho biết: “Lượng hồ sơ vào các trường sư phạm tăng đó là thông tin đáng mừng. Ngành Sư phạm đã được “yêu” trở lại”, bởi người thầy luôn được xã hội trân trọng. Niềm vui này có thể bắt nguồn từ Bộ GD-ĐT bổ sung chế độ chính sách thâm niên cho giáo viên”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Bình, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Vinh cho biết: “Số lượng hồ sơ của ngành Sư phạm tăng, đây là điều đáng mừng. Trong những buổi tư vấn tuyển sinh ở các tỉnh, tôi thấy thí sinh và xã hội vẫn dành “tình yêu” cho ngành Sư phạm rất nhiều. Tuy nhiên, điều thí sinh băn khoăn nhất vẫn là việc làm sau khi ra trường, tiền lương…”.
Quan tâm đến chất lượng đầu vào
Số lượng hồ sơ ĐKDT vào các ngành Sư phạm tăng cho thấy đã có sự thay đổi nhận thức của thí sinh và xã hội bởi vài năm qua ngành Sư phạm mặc dù được ưu đãi nhiều nhưng số lượng thí sinh đăng ký vào ít, đặc biệt không thu hút được thí sinh giỏi dẫn đến chất lượng đầu vào rất thấp. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, điểm chuẩn nhiều ngành chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai.
Với quyết tâm nâng cao chất lượng đầu vào ngành Sư phạm, Trường ĐH Vinh đã ra hẳn Nghị quyết về vấn đề này. Ông Nguyễn Xuân Bình, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Vinh cho hay, với ngành Sư phạm, quan trọng nhất là chất lượng đầu vào nhưng nhiều năm qua thí sinh giỏi ít thi vào ngành Sư phạm, đó là điều đáng phải quan tâm suy nghĩ. Có sinh viên giỏi thì mới có đội ngũ giáo viên giỏi. Chính vì lẽ đó, trường ĐH Vinh đã ra Nghị quyết là nâng cao chất lượng đầu vào với ngành Sư phạm. Do vậy, từ năm trước với các ngành sư phạm, ĐH Vinh lấy ở mức thấp nhất 15 điểm trở lên, có ngành chấp nhận thiếu hụt ít chỉ tiêu nhưng để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Ông Nguyễn Hắc Hải, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: "Với trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chất lượng vẫn đặt lên hàng đầu nên dù số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi tăng hay giảm thì hàng năm điểm chuẩn vẫn giữ ổn định phổ biến từ 15 -20 điểm".
Còn ông Tạ Quang Lâm, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết: “Trăn trở lớn nhất của chúng tôi là cơ hội việc làm sau khi ra trường của sinh viên. Khi các em ra trường, có được bố trí nơi dạy phù hợp với điều kiện gia đình không, lương có được đảm bảo cuộc sống không? … Nếu cải thiện được tình trạng này thì ngành sư phạm mới có sức hút. Hiện nay, việc miễn giảm học phí với sinh viên Sư phạm chỉ phù hợp với nhiều sinh viên thuộc vùng khó khăn, nhà nghèo chứ chưa tạo được đòn bẩy cho ngành Sư phạm”.
Góp ý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, GS.TSKH Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng: Nhà giáo là trung tâm và trụ cột của bất cứ nền giáo dục nào, nhà trường nào. Do vậy, cần tập trung đầu tư phát triển các trường Sư phạm trọng điểm, các trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và các khoa Sư phạm kỹ thuật tại các trường đại học. Xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi, nhất là chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực, các cho các nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và quản lý giáo dục. Cần có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín và kinh nghiệm trong và ngoài nước tích thực tham gia quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Có chính sách học bổng đặc biệt để thu hút học sinh giỏi vào học ngành Sư phạm.